Đang xử lý.....

THẨM ĐỊNH CẤP TRƯỜNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ NGÀNH GIÁO DỤC HỌC 

Nguyễn Thị Mai Hương

THẨM ĐỊNH CẤP TRƯỜNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ NGÀNH GIÁO DỤC HỌC (GIÁO DỤC MẦM NON)

 

Xuất phát từ nhiệm vụ, năng lực đào tạo của Khoa Giáo dục Mầm non - Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên và nhu cầu xã hội về đào tạo cán bộ, giáo viên cấp học mầm non có trình độ thạc sĩ; Căn cứ các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Đại học Thái Nguyên về điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; Trường Đại học Sư phạm xây dựng Đề án trình Đại học Thái Nguyên cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Giáo dục học (Giáo dục Mầm non) từ năm 2020 và giao cho Khoa Giáo dục Mầm non nhiệm vụ xây dựng Chương trình đào tạo.

Thực hiện Quyết định số 83/QĐ-ĐHSP ngày 09/01/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm về thành lập Hội đồng thẩm định cấp Trường chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Giáo dục học (Giáo dục mầm non), Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tổ chức Phiên họp thẩm định chương trình đào tạo Thạc sĩ Giáo dục học (Chương trình Giáo dục Mầm non) với sự có mặt của các thành viên Hội đồng thẩm định là những nhà quản lý, nhà tuyển dụng và nhà khoa học trong và ngoài Đại học Thái Nguyên, nhóm tác giả xây dựng chương trình và đại diện Phòng Đào tạo – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.

 

 

Sau khi nghe TS. Trần Thị Minh Huế - đại diện nhóm tác giả xây dựng chương trình báo cáo tiến trình thực hiện và tóm tắt chương trình đào tạo, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến phản biện, góp ý cụ thể. Nhìn chung, các thành viên đều đánh giá cao sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc của nhóm tác giả trong xây dựng chương trình đào tạo; khẳng định các yêu cầu về mục tiêu đào tạo (kiến thức, kĩ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm) đã được cụ thể hóa gắn với các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Ma trận mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đảm bảo tính hệ thống, logic và chính xác cao. Đặc biệt, khung chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần đã đảm bảo tính phát triển của chương trình đào tạo trình độ cử nhân Giáo dục Mầm non và tính lên thông với Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học; Các học phần cân đối và phù hợp về thời lượng, đáp ứng yêu cầu về tính đặc thù, tính chuyên biệt, tính thực tiễn và hiện đại để đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý chuyên môn có trình độ thạc sĩ Giáo dục mầm non chất lượng tốt.

Nhận xét chi tiết về đề cương học phần, TS. Nông Khánh Bằng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên nhấn mạnh: Đề cương của 24 học phần được trình bày khoa học, sáng rõ, thể hiện được chuẩn đầu ra của học phần và tính đáp ứng của học phần cho chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Các tiểu mục có sự thống nhất về dung lượng kiến thức, hệ thống câu hỏi thảo luận và bài tập thực hành chính xác, hợp lý.

Nhận xét về cấu trúc của quyển chương trình đào tạo, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường và TS. Đỗ Lệ Hà (Đại học Thái Nguyên) cùng khẳng định: Những căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình đã được nhóm nghiên cứu tìm hiểu và vận dụng khá đầy đủ, chính xác; Sự phân bổ thời lượng giữa giờ lí thuyết và thực hành, thảo luận là hợp lý và đảm bảo tính thống nhất.

 

 

ThS. Trần Thị Thúy - Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc xây dựng và tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ Giáo dục học (Giáo dục Mầm non) là một nhu cầu thiết yếu. Hiện nay, rất nhiều giáo viên mầm non và cán bộ quản lý cấp học mầm non trên toàn tỉnh có mong muốn được học tập nâng cao trình độ, nâng chuẩn về kiến thức và bằng cấp. Chương trình đào tạo được nhóm tác giả xây dựng đã đáp ứng tốt yêu cầu về đào tạo. Do đó, khi chương trình hoàn thiện và đưa vào tổ chức đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên sẽ trở thành một “điểm đến” tin cậy của rất nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non trong toàn tỉnh nói riêng và cả khu vực miền núi phía Bắc nói chung.

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh - Trưởng Phòng Đào tạo – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khẳng định, nội dung của chương trình là hợp lý. Bên cạnh một số học phần có sự kế thừa và phát triển ở mức độ cao hơn so với chương trình đào tạo cử nhân Giáo dục Mầm non, Chương trình đã xây dựng nhiều học phần gắn với yêu cầu giáo dục địa phương, mang tính đặc thù chuyên môn cao và thể hiện được điểm riêng của chương trình đào tạo thạc sĩ. Qua đó, tạo nên sự linh hoạt và đa dạng của một chương trình tổng thể, toàn diện mà vẫn giữ được bản sắc khu vực.

Ngoài những đánh giá, nhận định về ưu điểm của chương trình, các thành viên Hội đồng cũng góp ý cụ thể, chi tiết cho chương trình đào tạo được hoàn thiện hơn, như: Cần bổ sung Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ban hành ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 vào căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình; Cần cụ thể hóa hơn nữa một số chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Cần tăng cường hoạt động thảo luận nhóm trong mô tả các hoạt động của người học tại đề cương một số học phần.

Thay mặt nhóm tác giả xây dựng chương trình, TS. Trần Thị Minh Huế cảm ơn các thành viên Hội đồng thẩm định và tiếp thu những ý kiến đóng góp thiết thực, quý báu của từng thành viên để sửa chữa, hoàn thiện quyển chương trình trong thời gian sớm nhất.

Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Chương trình đào tạo thạc sĩ Giáo dục học (Giáo dục Mầm non).

                                                                                                                                                                                               Ban Biên tập

 

 

loading....